Nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học cho thấy con dấu hình trụ cổ đại có thể đã ảnh hưởng đến sự phát triển của chữ viết hình nêm, loại chữ viết đầu tiên của nhân loại.
Theo Live Science, các nhà nghiên cứu từ Đại học Bologna (Ý) đã tiến hành phân tích chi tiết một số con dấu hình trụ thời tiền chữ viết thuộc về người Lưỡng Hà cổ đại. Những con dấu này, được sử dụng trong hoạt động buôn bán nông nghiệp và hàng dệt may, đã hé lộ bí mật về nguồn gốc của chữ viết hình nêm - loại chữ viết đầu tiên được biết đến của loài người.
Kết quả nghiên cứu cho thấy những con dấu cổ đại này, được tạo ra cách đây 4.400 năm trước Công Nguyên (tức hơn 6.400 năm tuổi), có chứa những ký hiệu rất giống với các ký tự trong "chữ hình nêm nguyên thủy". Loại chữ này đã được tìm thấy trên các tấm đất sét 5.000 năm tuổi ở thành phố Uruk cổ đại của người Sumer (miền nam Lưỡng Hà), được coi là khu vực quê hương của văn minh lưỡng Hà.
Những phát hiện này được công bố trên tạp chí khoa học Antiquity và bổ sung vào những nghiên cứu trước đây cho thấy chữ viết hình nêm được phát triển ở Lưỡng Hà vào khoảng năm 3100 trước Công nguyên.
Các nhà khoa học cho rằng chữ viết hình nêm có thể xuất phát từ những phương pháp kế toán được sử dụng để quản lý quá trình sản xuất, lưu trữ và vận chuyển các mặt hàng phổ biến. Chữ hình nêm được tạo ra bằng cách sử dụng bút stylus để tạo ra các dấu ấn hình nêm trên đất sét chưa nung. Những dấu ấn này đại diện cho các âm thanh trong ngôn ngữ, được lưu giữ vĩnh viễn khi đất sét được sấy khô hoặc nung.
Phát hiện này về những con dấu hình trụ cổ đại không chỉ giúp chúng ta hiểu hơn về quá trình ra đời của chữ viết hình nêm, mà còn hé mở những bí mật về nền văn minh phức tạp của người Lưỡng Hà cổ đại.