Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) được trình ra Quốc hội với nhiều nội dung mới và được sửa đổi để đảm bảo phát triển điện lực an toàn, hiệu quả.
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) được trình ra Quốc hội với nhiều nội dung mới và được sửa đổi để đảm bảo phát triển điện lực an toàn, hiệu quả. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, sau gần 20 năm thi hành, Luật Điện lực còn tồn tại một số vấn đề, chưa đáp ứng được thực tiễn và cần phải sửa đổi, bổ sung cũng như đảm bảo đồng bộ với các luật liên quan.
Dự thảo luật đưa ra nội dung về phát triển điện hạt nhân, với quy định về đầu tư, vận hành và chấm dứt hoạt động nhà máy điện hạt nhân. Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho rằng, chính sách phát triển điện hạt nhân là vấn đề mới trong dự thảo luật. Do đó, cơ quan này đề nghị Bộ Công Thương - cơ quan chủ trì - soạn thảo báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định quy định nội dung này và mức độ quy định trong dự thảo luật với phát triển điện hạt nhân.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị nghiên cứu, chỉnh lý nội dung về giá điện và quy định về giá điện. Theo dự thảo luật, giá điện sẽ được quy định theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước để đảm bảo khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra thấy chưa có quy định, nguyên tắc để minh bạch các thành phần của giá điện, trong đó có bao gồm các khoản hỗ trợ đối tượng chính sách, vùng sâu, vùng xa...
Để phát triển điện lực an toàn, hiệu quả, dự thảo luật cũng đề nghị cần có chính sách để có cơ cấu nguồn điện hợp lý, lộ trình giảm dần và tiến tới xóa bỏ các dự án đầu tư, các nguồn điện sử dụng công nghệ lạc hậu hoặc gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường đề nghị, cần cụ thể hơn các chính sách cải cách giá điện một cách phù hợp, hướng tới việc thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh và rà soát các quy định về giá điện trong dự thảo luật để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Giá về thẩm quyền ban hành phương pháp định giá, về điều tiết giá điện.
Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án luật này theo quy trình một kỳ họp. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị thông qua luật tại 2 kỳ họp để có đủ thời gian dành cho việc nghiên cứu, thảo luận, bảo đảm chất lượng, khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Nguồn cấp tin tức:
Từ khoá: