Để bước sâu vào nền kinh tế toàn cầu, doanh nghiệp cần môi trường đồng bộ thể chế, hoàn thiện quy định về ngành kinh doanh mới, hệ thống thương mại điện tử, tài chính số...
Thế giới hiện nay đang trải qua nhiều biến động và bất ổn, nhưng cũng mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp. Trung tâm kinh doanh toàn cầu của Đại học Tufts (Mỹ) đánh giá rằng, Việt Nam đang đứng thứ 48 trong số 60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi số nhanh nhất trên thế giới và đứng thứ 22 về tốc độ phát triển số hóa. Theo TS. Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), dự báo giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 74 tỷ USD vào năm 2030. Lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm của Việt Nam có thể chiếm 17% cơ hội phát triển kinh tế do công nghệ số mang lại.
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động quản trị doanh nghiệp và sản xuất - kinh doanh - phân phối vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều chủ doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức đầy đủ vai trò của công nghệ trong bối cảnh nền kinh tế số với áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt.
GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhà đầu tư nước ngoài (VAFIE), nhấn mạnh rằng, thực hiện chuyển đổi số và sử dụng nền tảng số sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực tài chính và phát triển bền vững trong bối cảnh đầy bất ổn và biến động.
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực VAFIE, nhấn mạnh thêm rằng, nước ta đang bước vào một kỷ nguyên phát triển mới với nhiều cơ hội chưa từng có, song kèm theo đó cũng có những khó khăn và thách thức biến động của địa chính trị và kinh tế thế giới. Các dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới không mấy lạc quan, thậm chí đã có những cảnh báo về một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Hơn thế nữa, những rủi ro về biến đổi khí hậu đang hiện hữu, thiên tai bão lũ diễn ra dồn dập tàn phá cuộc sống.
Để vượt qua khó khăn và phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần chuyển đổi số và xanh. Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, nhà nước cần tạo ra môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp chuyển đổi số.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, nhấn mạnh rằng, nhà nước cần hoàn thiện khung chính sách và cơ chế thử nghiệm để phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và các mô hình kinh doanh mới. Cần có cơ chế, chính sách để thu hút nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh tế số và có chính sách, giải pháp đột phá phát triển nguồn nhân lực. Ưu tiên thích đáng phát triển AI, mô hình phát triển công nghiệp bán dẫn phù hợp.
GS-TSKH Nguyễn Mại cũng cho rằng, nhà nước cần có chính sách khuyến khích kết nối theo chuỗi cung ứng sản phẩm giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, giữa tập đoàn kinh tế Việt Nam với DNNVV để hình thành thương hiệu Việt Nam trên thị trường trong nước và thị trường thế giới.