Mới đây, một câu chuyện về một người đàn ông Ấn Độ đã gây sóng trên mạng sau khi bị rắn lục Russell cắn. Anh Prakash Mandal đang nằm trong nhà thì bị một con rắn cắn vào cổ tay trái. Thay vì chạy ra xa, anh đã có phản ứng rất nhanh và tóm lấy con rắn, bóp chặt miệng nó và đem đến bệnh viện.
Các thành viên trong gia đình cũng đi cùng anh để hỗ trợ. Khi đến bệnh viện, các bác sĩ đã xem xét cẩn thận con rắn rồi sau đó tiêm thuốc giải độc cho anh. Việc mang theo con rắn của anh đã giúp các bác sĩ xác định chính xác loại rắn đã cắn bệnh nhân và đưa ra được phương án điều trị hiệu quả.
Tuy nhiên, các chuyên gia đã cảnh báo rằng việc bắt một con rắn độc như vậy không hề dễ dàng và có thể tiềm ẩn nguy cơ có thêm các vết cắn khác. Do đó, đây là điều không được các chuyên gia khuyến khích.
Rắn lục Russell là một trong bốn loài rắn độc nhất ở Ấn Độ, còn gọi là Tứ đại rắn độc Ấn Độ. Rắn lục Russell dài khoảng 1m2, có màu nâu hoặc nâu xám, đôi khi hơi ngả sang màu da cam, với 3 dải hoa văn màu nâu sẫm hoặc nâu đen chạy dọc cơ thể.
Khi bị rắn cắn, chúng ta cần ghi nhớ một số lưu ý trong cách xử lý như sau: không sử dụng băng garo cột chặt vào vùng bị cắn, không tùy tiện chườm lạnh, bôi hóa chất, đắp lá cây... Lên vết thương hoặc uống thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Thay vào đó, chúng ta nên làm sạch vết thương bằng xà phòng hoặc nước muối sinh lý, và nhanh chóng tìm sự trợ giúp y tế.