Tình trạng ngập lụt kéo dài sau bão Yagi đã khiến nhiều loại bệnh phát sinh, nhất là các bệnh về da.
Sau cơn bão số 3, thành phố Hà Nội đang đối mặt với các vấn đề về ngập úng, dịch bệnh và vệ sinh. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, toàn thành phố có 27 quận/huyện, 184 xã/phường, 449 điểm ngập úng. Tính đến chiều 15/9, trên địa bàn thành phố còn 15 quận/huyện, 101 xã/phường, 302 điểm ngập úng.
Tình hình dịch bệnh trong khu vực ngập lụt cũng khá phức tạp. Theo báo cáo, có 508 bệnh nhân mắc bệnh về da, 42 ca mắc bệnh tiêu hóa, 117 trường hợp mắc bệnh về mắt, một ca mắc sốt xuất huyết. Để chủ động cấp phát thuốc phòng bệnh, các đơn vị đã phát 21 loại thuốc tại huyện Quốc Oai, 9 loại thuốc tại huyện Sóc Sơn, 13 loại thuốc tại huyện Chương Mỹ.
Bên cạnh đó, thành phố có 52 điểm chân rác bị ngập, đã xử lý được 36 điểm. Về cấp phát thuốc, hóa chất khử trùng, các trung tâm y tế đã cấp 5.450kg Cloramin B, 620kg vôi bột, 30,4kg phèn chua phục vụ cho công tác xử lý nước, môi trường.
Tính đến chiều 15/9, có 5 trạm y tế bị ngập, được bố trí sang các địa điểm tạm thời để đảm bảo an toàn về nhân lực, tài sản, trang thiết bị, thuốc. Các trạm y tế này tiếp tục thực hiện công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân địa phương.
Để phòng bệnh sau bão, TS.BS Vũ Viết Sáng, Phó Viện trưởng Viện Lâm sàng Các bệnh Truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã nhắc nhở mọi người không nên chủ quan, coi thường bệnh tật, không tự chẩn đoán và tự mua thuốc điều trị khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Người bệnh cần đi khám tại các cơ sở y tế kịp thời, tránh đến quá muộn hoặc không kiểm soát tốt các bệnh lý nền.
Ngoài ra, người dân cần thực hiện các biện pháp vệ sinh sau lũ lụt, bao gồm: thau rửa và khử khuẩn bể nước, giếng nước bằng Cloramin B theo hướng dẫn; lọc nước sinh hoạt bằng cát sạch, đánh phèn để lắng và khử khuẩn trước khi sử dụng; lựa chọn thực phẩm an toàn; vệ sinh cá nhân hằng ngày; diệt muỗi và loăng quăng bằng cách đậy kín các dụng cụ chứa nước, thả cá vào bể lớn, và loại bỏ phế thải có thể đọng nước.