UBND TP. Hải Phòng đề xuất cơ chế đặc thù dùng ngân sách hỗ trợ cho các hộ dân sống trong các chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D tìm chỗ ở tạm thời.
Sau khi bão số 3 đổ bộ vào Hải Phòng, các chung cư cũ trên địa bàn thành phố đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo báo cáo của UBND TP. Hải Phòng, có 41 chung cư cũ cấp độ D trên địa bàn các quận Ngô Quyền, Hồng Bàng, Lê Chân, Kiến An có dấu hiệu nguy hiểm, mất an toàn hơn sau bão.
Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, UBND TP. Hải Phòng đã quyết định ngừng sử dụng 41 chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D và di dời khẩn cấp khoảng 2.600 hộ dân đang ở tại các chung cư này đến nơi ở tạm cư. Tuy nhiên, các hộ dân ở tại các chung cư cũ nguy hiểm này đều thuộc diện khó khăn về nhà ở, không có nơi ở nào khác. Đa số các hộ dân này có mức sống trung bình, điều kiện thu nhập không cao, không có điều kiện để tự lo chỗ ở mới.
Vì vậy, UBND TP. Hải Phòng đề xuất HĐND thành phố xây dựng cơ chế đặc thù, hỗ trợ di dời khẩn cấp đối với các hộ dân đang sử dụng nhà ở tại các chung cư cũ nguy hiểm sau ảnh hưởng bão số 3. Theo đề xuất, các hộ dân phải di dời khẩn cấp ra khỏi các chung cư cũ nguy hiểm sẽ được thành phố hỗ trợ kinh phí để tự lo chỗ ở tạm thời trong khoảng thời gian từ khi có quyết định di dời đến thời điểm các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn đã có quỹ nhà ở để bán, cho thuê được đưa vào sử dụng.
Nếu được HĐND TP. Hải Phòng thông qua cơ chế đặc thù, UBND thành phố sẽ hỗ trợ kinh phí tự lo chỗ ở tạm thời theo mức hỗ trợ hàng tháng và tổng thời gian được hỗ trợ (được tính theo tháng). Ngoài ra, các hộ dân còn được hỗ trợ thêm kinh phí di chuyển.
Theo đánh giá của UBND TP. Hải Phòng, việc hỗ trợ giải quyết chỗ ở cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai là nhiệm vụ cấp bách, phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện số 92/CĐ-TTg ngày 10/9/2024 và Công văn số 9407-CV/VPTU ngày 11/9/2024 của Thành uỷ Hải Phòng. Nhờ đó, các hộ dân có kinh phí để tự lo chỗ ở tạm thời trong thời gian chờ các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn hoàn thiện xây dựng, thực hiện bán, cho thuê.