Các chuyên gia nhận định, chiến dịch quân sự của Israel hiện tại cho thấy Tel Aviv vẫn chưa từ bỏ nỗ lực kiểm soát nguồn nước ở miền nam Lebanon sau cuộc chiến 2006.
Căng thẳng giữa Israel và Hezbollah tiếp tục gia tăng khi Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đẩy mạnh chiến dịch không kích vào Lebanon. Trong 24 giờ qua, hơn 1.600 mục tiêu của Hezbollah đã bị đánh phá, phá hủy hàng chục nghìn quả tên lửa, bao gồm cả tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. IDF đặt mật danh cho chiến dịch mới là "Mũi tên phương Bắc", đồng thời cảnh báo sẵn sàng triển khai bộ binh tiến vào Lebanon để loại bỏ hoàn toàn mối đe dọa của Hezbollah.
Phó giáo sư Isa Blumi thuộc Đại học Stockholm phân tích rằng tình hình hiện tại có thể dẫn đến cuộc chiến tranh biên giới quy mô lớn. Ông Blumi cho rằng mục tiêu thực sự của Israel không chỉ là tiêu diệt lực lượng Hezbollah, mà còn nhằm kiểm soát nguồn tài nguyên nước và đất đai nông nghiệp phong phú ở miền nam Lebanon.
Ông Blumi cũng chỉ ra rằng Israel muốn loại bỏ hoàn toàn các phong trào Hồi giáo chống lại Tel Aviv, bao gồm cả Hamas và Hezbollah. Ông nhận định rằng Israel hiểu rõ rằng họ không thể chiếm đóng dài hạn miền nam Lebanon như ở Gaza hoặc Bờ Tây, đặc biệt là với một lực lượng bộ binh khiêm tốn. Tuy nhiên, theo ông, Israel sẽ cố gắng thuyết phục Mỹ và các nước phương Tây ủng hộ cho phép sử dụng lực lượng bộ binh hạng nặng để đạt được mục tiêu của mình.
Phản ứng lại ý định tấn công bộ binh của Israel, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Washington phản đối kế hoạch này. Các nguồn tin Ả Rập dẫn lời quan chức Mỹ cho biết Mỹ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng.
Tình hình đang diễn ra dấy lên nhiều câu hỏi liệu Hezbollah có đang cố gắng khiêu khích Israel? Tuy nhiên, Phó giáo sư Blumi nhấn mạnh rằng điều đó sẽ trái ngược với lợi ích của Hezbollah và sự ủng hộ của xã hội Lebanon. Ông cũng đề xuất rằng không phải tất cả các chỉ huy quân sự của Israel đều ủng hộ kế hoạch tấn công trên bộ vào Lebanon do lo ngại về khả năng chiến dịch thất bại.
Thiếu tá Moshiko Giat, thuộc lực lượng đặc nhiệm IDF từng tham gia cuộc chiến năm 2006, cho biết: Cơ sở hạ tầng ở Lebanon khá vững chắc và rất khó đột nhập. Đó là một trong những tình thế tiến thoái lưỡng nan của chúng tôi”. Giat cũng đánh giá Hezbollah có hơn hẳn Hamas về cả số lượng và sức mạnh quân sự. Các nhà quan sát độc lập tin rằng Hezbollah có thể triển khai từ 20.000 đến 40.000 chiến binh với kho vũ khí lên tới 150.000 tên lửa và rocket.
Việc Israel triển khai một cuộc tấn công toàn diện vào Hezbollah, giống như họ đã làm ở Gaza, sẽ có những hậu quả nghiêm trọng về thương vong của cả hai bên, đặc biệt là dân thường.
Nguồn cấp tin tức:
Từ khoá: