Trong tự nhiên, có nhiều loại cây mọc hoang dại có thể trở thành nguyên liệu cho nhiều món ăn vừa ngon vừa lạ miệng. Một trong số đó phải kể tới lá và đọt non của cây chòi mòi. Những năm gần đây, khi các loại rau rừng có hương vị độc đáo được du khách và người thành phố ưa chuộng, thì lá chòi mòi trở thành một trong những nguyên liệu được săn lùng nhiều nhất.
Cây chòi mòi, còn có tên gọi khác là chồi mòi, là loại cây dại mọc ở bìa rừng tại các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông. Lá của cây chòi mòi có màu lục sẫm xanh quanh năm, là dạng lá kép trông giống như hình chân vịt, cuống lá dài, mỗi đầu cuống lá có 3 chét, phiến lá có hình răng cưa nông.
Người dân địa phương cho biết lá chòi mòi có vị chua gắt và chát, thường được dùng để nấu canh chua như lá giang hoặc làm rau ghém ăn kèm với các món ăn như kho quẹt, cá kho hoặc giã với muối làm thành món đồ chấm lạ miệng khi ăn hải sản hoặc thịt nướng. Ngoài ra, đọt non của cây chòi mòi còn có thể luộc hoặc xào chung với các loại rau khác.
Quả chòi mòi khi ăn có vị chua chua pha lẫn vị ngọt nhẹ. Chúng ra hoa từ khoảng tháng 3 đến tháng 6, quả chín rộ nhất từ tháng 7. Không chỉ là loại rau đặc sản, cây chòi mòi còn được biết đến là thảo dược quý trong đông y bởi các hoạt chất trong lá chòi mòi có tính kháng sinh cao, có thể ức chế nhiều vi khuẩn gây viêm đường ruột, vi khuẩn ngoài da.
Theo y học cổ truyền Việt Nam, cây chòi mòi có tác dụng thanh nhiệt, chỉ huyết, hoạt huyết, tiêu thũng, khử độc, lợi thấp và nhiều tác dụng khác. Vì vậy, lá chòi mòi ngày càng được ưa chuộng và trở thành một trong những nguyên liệu được săn lùng nhiều nhất trong các món ăn.