Cho đến nay công ơn và danh tiếng của vị vua này vẫn được người đời sau ca tụng Dưới thời ông Đại Việt phát triển cực thịnh vị thế được nâng tầm đáng kể
Lý Thánh Tông - Vị vua nổi tiếng nhất trong thời kỳ "trăm năm thịnh thế"
Trong lịch sử Việt Nam, xuyên suốt chiều dài hàng nghìn năm, có rất nhiều vị minh quân nổi tiếng. Nhưng khi nhắc đến cụm từ "trăm năm thịnh thế", người ta không thể không kể đến vị vua thứ ba của nhà Lý - Lý Thánh Tông. Ông được mệnh danh là vị vua lỗi lạc, nhân từ nhất lịch sử Việt Nam.
Lý Thánh Tông (1023 - 1072), là con của vua Lý Thái Tông và Linh Cảm Hoàng hậu. Ông là người nổi tiếng thông minh, sáng dạ ngay từ nhỏ, không chỉ giỏi văn chương còn rất thạo võ lược. Ông đã được vua cha cho ở cung Long Đức từ sớm, để tiếp xúc với cuộc sống của nhân dân. Điều này giúp ông rất thương dân, hiểu được nổi khổ của họ. Lòng vị tha, nhân hậu cũng vì thế mà ngày càng lớn hơn trong con người Lý Thánh Tông.
Sau khi lên ngôi, Lý Thánh Tông trở thành minh quân có những chính sách cai trị khoan hòa, nhân từ. Một trong số đó là việc đổi tên nước từ Đại Cồ Việt thành Đại Việt năm 1054. Đây là quyết định quan trọng, bởi cũng kể từ đó đến 346 năm sau, nước ta giữ nguyên tên Đại Việt này.
Lý Thánh Tông cũng tăng bổng lộc cho các quan tư pháp và cai ngục nhằm làm trong sạch bộ máy thực thi hành án, giúp người dân được nhận mức án công bằng nhất. Mùa đông giá rét năm 1055, ông truyền lệnh phát chăn chiếu cho tù nhân, cấp cơm ngày 2 bữa cho họ và giảm thuế năm ấy cho dân. Những chính sách của ông khiến người dân nể phục, kính trọng vô cùng.
Để đền đáp công ơn của vua, dân bảo ban nhau phải sống lương thiện, ăn ở tốt để ông vui lòng. Lý Thánh Tông cũng rất coi trọng việc học và đào tạo nhân tài cho đất nước. Ông cho dựng Văn Miếu ở phía Nam thành Thăng Long vào năm 1070. Văn Miếu là nơi Hoàng Thái tử, hoàng thất đến học. 6 năm sau, Quốc Tử Giám được dựng lên và là ngôi trường đại học đầu tiên của nước ta, chuyên đào tạo nhân tài cho đất nước.
Dù nổi tiếng nhân từ nhưng Lý Thánh Tông lại là một vị tướng đáng sợ trên chiến trường. Năm 1069, ông cùng Lý Thường Kiệt đem quân thảo phạt quân Chiêm Thành, triệt phá kinh đô Trà Bàn, bắt sống Chế Củ (vua Chiêm Thành). Sau này, để được về nước, Chế Củ đã dâng 3 châu là Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính (Quảng Bình và Bắc Quảng Trị ngày nay).
Sau lần chinh phạt Chiêm Thành đó, vị thế của Đại Việt ta lên cao đáng kể, đến mức nước Tống cũng phải e dè. Riêng Chiêm Thành từ đó kính sợ và thần phục nước ta, thậm chí còn cho sứ thần sang cống nộp Đại Việt.
Lịch sử Việt Nam ghi nhận, nhà Lý có 3 vị vua anh minh lỗi lạc nối tiếp nhau là Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông và Lý Anh Tông. Họ đã tạo nên thời kỳ "trăm năm thịnh thế", đưa Đại Việt trở thành một đất nước hùng mạnh.