MasterTeck: Giải pháp cho người lao động và doanh nghiệp trong kỷ nguyên kinh tế số
Hội đồng Khoa học gồm 15 giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia công nghệ đầu ngành Viện Công nghệ blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII đã chính thức thông qua MasterTeck, nền tảng học trực tuyến về blockchain và AI vào ngày 24/9. Nền tảng này được xem là giải pháp đáp ứng nhu cầu đào tạo và nâng cao năng lực cho cá nhân và doanh nghiệp trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ.
MasterTeck cung cấp hơn 300 khóa học đa dạng, được thiết kế nhằm xây dựng hệ thống kiến thức và kỹ năng làm việc hiệu quả cho cá nhân. Nền tảng hướng đến việc giúp người lao động cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực, thích ứng với nhu cầu thị trường công nghệ hiện đại. Đồng thời, MasterTeck cũng là giải pháp cho doanh nghiệp giải bài toán về nhân sự chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu vận hành trong kỷ nguyên kinh tế số.
Phù hợp với xu hướng toàn cầu, MasterTeck được đào tạo bởi hơn 120 chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước, kết hợp hệ thống chứng chỉ hàng đầu thế giới như CompTIA, EC-Council và PECB. Nền tảng cung cấp các giải pháp tổng thể về công nghệ, nhân sự, vận hành, giúp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chuẩn bị sẵn sàng cho kỷ nguyên kinh tế số.
Theo báo cáo của McKinsey & Company năm 2024, trong 1.363 doanh nghiệp toàn cầu tham gia khảo sát, 72% đã ứng dụng các công nghệ blockchain và AI trong quy trình hoạt động. Các doanh nghiệp này đã ghi nhận sự tăng trưởng rõ rệt về doanh thu và lợi nhuận, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động nhờ vào việc tự động hóa và bảo mật thông tin. Nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng việc tích hợp AI trong các hoạt động marketing và bán hàng đã giúp các công ty tăng lượng khách hàng tiềm năng lên hơn 50%.
Tại Việt Nam, khảo sát của McKinsey cho thấy nhiều doanh nghiệp chưa đủ tự tin để triển khai AI và blockchain do lo ngại về chi phí và khả năng thất bại trong quá trình chuyển đổi số. Đặc biệt, các doanh nghiệp chỉ có xu hướng thay đổi khi chịu áp lực lớn từ đối thủ cạnh tranh. Hệ quả là các doanh nghiệp Việt dễ bị tụt hậu so với các đối thủ quốc tế trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới điều này là do thiếu hụt nguồn lực tài chính và nhân lực có trình độ chuyên môn cao trong các lĩnh vực công nghệ hiện đại này. "Đây là một thực tế đáng lo ngại. Các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn rất lớn trong việc sắp xếp ngân sách để đầu tư vào công nghệ, cũng như không có đủ đội ngũ nhân viên được đào tạo về blockchain và AI để vận hành hiệu quả", ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch Thường trực hiệp hội blockchain Việt Nam, Viện trưởng Viện ABAII chia sẻ.
GS.TSKH. Hoàng Văn Huây - Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hiệp hội blockchain Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện ABAII nhấn mạnh: "Mặc dù Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức trong việc áp dụng blockchain và AI, nhưng tiềm năng phát triển là rất lớn". Với sự đầu tư thích đáng vào nhân lực và công nghệ, ông Huây tin rằng các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có khả năng vượt qua các rào cản hiện tại để vươn lên cạnh tranh với các đối thủ quốc tế.
Theo ông Đào Trung Thành - Phó Viện trưởng Viện ABAII, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhìn nhận và đánh giá khách quan bối cảnh hiện tại để xây dựng chiến lược phát triển và cạnh tranh phù hợp. Trong đó vấn đề tư duy, sự sẵn sàng của nhân sự là điều quan trọng nhất. Tiếp sau đó mới là giải pháp công nghệ, quy trình vận hành... Trung Tướng Đặng Vũ Sơn - Nguyên Trưởng Ban Cơ yếu chính phủ, Cố vấn cấp cao Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện ABAII cho rằng, doanh nghiệp và người lao động cần chuẩn bị về nhân sự, đảm bảo chất lượng nhân sự phù hợp với giải pháp và công nghệ mà mình đang hướng tới.