Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu, "cây đại thụ" của ngành Vật lý Việt Nam, có nhiều đóng góp to lớn cho sự đổi mới, phát triển của khoa học nước nhà.
Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu (1938-2022) là "cây đại thụ" của ngành Vật lý Việt Nam, có nhiều đóng góp to lớn cho sự đổi mới, phát triển của khoa học nước nhà. Ông sinh ra trong một gia đình trí thức ở Hà Nội, tuổi thơ gắn với cảnh nay đây mai đó vì phải tản cư, chạy giặc. Nguyễn Văn Hiệu hoàn thành chương trình phổ thông 8 năm, nhưng vì nhà nghèo nên ông từng xin làm thợ trong xưởng dệt kim. Chính khoảng thời gian làm thợ, học nghề trong xưởng đã tạo cho ông tình yêu với vật lý.
Sau khi thủ đô Hà Nội giải phóng, ông thi vào Khoa Toán Lý Trường Đại học Sư phạm Khoa học. Nguyễn Văn Hiệu tốt nghiệp cử nhân Vật lý loại xuất sắc năm 18 tuổi, sau đó trở thành giảng viên tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội). Vào thời điểm này Nguyễn Văn Hiệu cùng GS Nguyễn Lân Dũng là hai cán bộ giảng dạy trẻ nhất của nhà trường.
Năm 1960, ông được cử sang làm việc tại Viện Liên hiệp Nghiên cứu Hạt nhân Dubna, Liên Xô (cũ). Sự nỗ lực và niềm hăng say nghiên cứu của Nguyễn Văn Hiệu khiến các Giáo sư tại Viện Dubna cảm mến, nhận ông làm học trò.
Trong 2 năm rưỡi, Nguyễn Văn Hiệu có 12 công trình nghiên cứu về vật lý neutrino được công bố, nhiều nghiên cứu gây tiếng vang. Công trình "Lý thuyết đối xứng các hạt cơ bản" của ông đã được xuất bản thành sách và được nhiều nước trên thế giới sử dụng.
Ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khi vừa tròn 26 tuổi, là Tiến sĩ trẻ tuổi nhất của Việt Nam và Liên Xô (cũ) lúc bấy giờ. Năm 1968, Nguyễn Văn Hiệu trở thành Giáo sư Vật lý lý thuyết và Vật lý Toán của viện Dubna và ĐH Lomonosov khi mới 30 tuổi.
Sau khi về nước, Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu được Thủ tướng Phạm Văn Đồng giao nhiệm vụ thành lập Viện Vật lý đầu tiên, giữ chức Viện trưởng. GS Nguyễn Văn Hiệu là Viện trưởng trẻ tuổi nhất trong lịch sử khoa học Việt Nam.
Trong suốt sự nghiệp, GS Nguyễn Văn Hiệu đã công bố hơn 200 công trình khoa học, trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ tương tác yếu và đối xứng của các hạt cơ bản, đến lý thuyết giải tích về tương tác mạnh và lý thuyết trường, rồi phương pháp lý thuyết trường lượng tử trong vật lý chất rắn. Hầu hết số công trình đó đều được công bố trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế có uy tín.
Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu nhận lời mời đặc biệt của Giám đốc ĐHQG Hà Nội vào năm 1999, đảm đương chức vụ Chủ nhiệm Khoa Công nghệ. Ông là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Công nghệ - ĐHQG Hà Nội thành lập năm 2004.
Với những đóng góp cho ngành Vật lý, GS Nguyễn Văn Hiệu trao tặng Giải Thưởng Lê Nin về Khoa học và Kỹ thuật (1986), Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Công nghệ (1996), Huân chương Độc lập hạng Nhất (2009)...
Nguồn cấp tin tức:
- Genk: Một trí thức tốt nghiệp đại học năm 18 tuổi, được phong Giáo sư khi tròn 30 tuổi, là Viện trưởng trẻ tuổi nhất trong lịch sử khoa học Việt Nam
- CafeBiz: Một trí thức tốt nghiệp đại học năm 18 tuổi, được phong Giáo sư khi tròn 30 tuổi, là Viện trưởng trẻ tuổi nhất trong lịch sử khoa học Việt Nam
Từ khoá: