Người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết Mỹ quyết định gửi thêm quân đến Trung Đông là "vì lý do thận trọng".
Mỹ sẽ gửi một số lượng nhỏ quân tới Trung Đông để tăng cường sức mạnh hiện tại trong khu vực vì lý do thận trọng, theo thông tin từ Lầu Năm Góc hôm 23/9. Điều này xảy ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Israel và Hezbollah tại Lebanon.
Thiếu tướng Không quân Patrick Ryder, người phát ngôn của Lầu Năm Góc, cho biết quyết định này nhằm tăng cường lực lượng hiện có mặt trong khu vực vì lý do thận trọng. Tuy nhiên, ông Ryder từ chối nêu rõ số lượng cụ thể hoặc nhiệm vụ của lực lượng được triển khai.
Trước đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cố gắng kiểm soát xung đột ở Dải Gaza cũng như nhiều lần kêu gọi giải quyết cuộc khủng hoảng biên giới Israel-Lebanon thông qua con đường ngoại giao. Lời kêu gọi đó đã được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh trong các cuộc gọi hằng ngày với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Israel Yoav Gallant.
Lầu Năm Góc cũng đưa ra tuyên bố rằng họ sẽ bảo vệ lực lượng và nhân viên Mỹ tại khu vực này và ngăn chặn mọi tác nhân có thể lợi dụng tình hình hoặc mở rộng xung đột. Sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực này bao gồm nhóm tác chiến tàu sân bay Abraham Lincoln, các máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không.
Các chuyên gia đặt câu hỏi liệu Iran có đứng ngoài cuộc nếu sự tồn tại của Hezbollah ở Lebanon bị đe dọa. Họ cũng nhận định rằng quân đội Mỹ có thể trở thành mục tiêu trên khắp Trung Đông nếu một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn nổ ra.
Cũng trong hôm 23/9, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này không ủng hộ việc leo thang giữa Israel và Hezbollah qua biên giới. Quan chức này cho biết Washington sẽ thảo luận "những ý tưởng cụ thể" với các đồng minh và đối tác trong nỗ lực ngăn chặn xung đột lan rộng.
Theo các nhà chức trách Lebanon, Israel đã không kích các mục tiêu của Hezbollah vào cùng ngày, giết chết 492 người và khiến hàng chục ngàn người phải chạy trốn để tìm nơi an toàn trong ngày đẫm máu nhất ở Lebanon trong nhiều thập kỷ.
Các quan chức Israel nói rằng sự gia tăng không kích nhằm buộc nhóm Hezbollah do Iran hậu thuẫn phải đồng ý với một giải pháp ngoại giao. Tuy nhiên, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ ở New York đã phản bác lập trường này, khẳng định rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tập trung vào việc giảm căng thẳng và phá vỡ vòng luẩn quẩn "tấn công - phản công". Đại diện Mỹ cũng nói rằng họ không cho rằng cuộc tấn công trên bộ vào Lebanon sẽ góp phần làm giảm căng thẳng trong khu vực. Đại diện này cũng khẳng định rằng Mỹ đang cố gắng đưa ra một số bước đi thực tế nhằm làm giảm căng thẳng và đã đạt được một số tiến triển.
