Ráy tai có vai trò ngăn chặn vi khuẩn, vi trùng xâm nhập vào tai, không nên dùng tăm bông hay dụng cụ ngoáy bởi có thể gây chấn thương.
Ngoáy tai bằng que kim loại có thể gây ra tai nạn nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Một người phụ nữ 25 tuổi đã bị que đâm sâu vào màng nhĩ sau khi chồng ôm cô vô tình, may mắn rằng bác sĩ đã phẫu thuật nội soi lấy dị vật thành công.
Theo TS.BS.CK2 Nguyễn Thanh Vinh, Phó giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM, ráy tai được tạo ra tự nhiên từ tuyến bã nhờn, tuyến mồ hôi và tế bào chết của da ống tai. Chúng có tác dụng ngăn chặn vi khuẩn, vi trùng xâm nhập vào tai và góp phần bảo vệ cơ quan thính giác.
Ráy tai tự động được đẩy ra ngoài một cách tự nhiên khi chúng ta nhai, nghiêng đầu qua lại khi ngủ. Do đó, không cần phải tự làm sạch tai bằng các dụng cụ như tăm bông hay que kim loại. Bởi, ống tai không phải ống thẳng đi từ ngoài vào trong màng nhĩ, mà có đường cong theo hướng hơi chếch từ trên xuống dưới.
Việc đưa que nhọn thẳng vào bên trong có thể gây tổn thương niêm mạc trong ống tai, sang chấn tai ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và dẫn đến viêm ống tai ngoài. Ngoài ra, dụng cụ ngoáy tai có thể gây tổn thương chuỗi xương con, hệ thống dẫn truyền âm thanh, ảnh hưởng khả năng nghe. Nếu chạm đến ốc tai, cơ quan thính giác thực thụ, có thể gây điếc vĩnh viễn.
Theo BS.CK2 Dương Thanh Hồng, Trưởng Khoa Tai - Tai thần kinh, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM, có bệnh nhân bị cây ráy tai đâm vào làm tổn thương tiền đình, trở thành người tàn phế, nằm một chỗ vì chỉ cần đứng dậy đi là chóng mặt, mất hoàn toàn thính lực không phục hồi.
Nhiều người có thói quen dùng tăm bông ngoáy tai hàng ngày sau khi tắm, sau khi bơi. Tuy nhiên, bác sĩ cho rằng đây là thói quen không cần thiết và không tốt. Việc dùng tăm bông lau tai có hại vì làm mất lớp bảo vệ da ống tai. Cần ngưng thói quen này và thay vào đó, dùng khăn mềm lau nhẹ nhàng ở vành tai và vùng cửa tai.
Khi có chấn thương ở tai, không nên tự xử lý ở nhà, không tự ý rút dị vật mà giữ nguyên hiện trạng, đến cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để được xử trí phù hợp.