Từ một cậu bé mồ côi sớm trở thành bác sĩ, thầy thuốc ưu tú, nhà thơ Phạm Đình Phú là một hành trình dài với bao nỗ lực.
Bên cạnh công việc chuyên môn được đánh giá cao, bác sĩ Phạm Đình Phú là tác giả của những tập thơ, truyện ký được viết bằng sự chân thành, giản dị từ tiếng lòng mình. Ông chia sẻ: "Nhà văn, nhà thơ, bác sĩ có chung trái tim ấm nóng, và có lẽ vì điều này mà nhiều bác sĩ đến với văn chương".
Tôi không phải là người có năng khiếu làm thơ dù rất thích đọc sách và viết, mãi sau này đến khi về hưu mới tập làm thơ. Thói quen đọc sách có từ thời đi học, từ đó tập tành viết theo. Lúc ở chiến trường tôi có tham gia viết báo tường, chia sẻ kinh nghiệm, câu chuyện chuyên môn.
Chính những câu thơ chắp vá khi xưa ấy dẫn dắt tôi đến với tứ thơ rồi hình thành các bài thơ ngắn. Sau 3 tháng nghỉ hưu, tôi viết một số bài và đưa cho những nhà thơ, nhà văn đồng thời là bạn, là bệnh nhân của tôi như nhà văn Lam Giang, nhà thơ Xuân Trường đọc. Các anh đã động viên và nhiệt tình góp ý, sửa lại chút đỉnh để tôi có những bài thơ "nên hồn nên dáng" hơn. Tập thơ đầu tiên Có thể nào quên đã ra đời theo dòng hồi tưởng của bản thân có cảm giác mới mẻ, sống động như thế.
Những tập thơ sau đó tôi tiến bộ dần cũng nhờ sự bồi dưỡng, giúp đỡ từ những bệnh nhân - nay trở thành bạn thơ.
Tôi có rất nhiều kỷ niệm ở chiến trường đã chia sẻ trong truyện ký Blouse màu lá (NXB Thanh niên). Đầu năm 1971, chuẩn bị mở chiến dịch Quảng Trị, khi đó tôi mới tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội được điều động vào chiến trường. Ca phẫu thuật đầu tiên mà tôi thực hiện là cắt chân cho một nhân vật khá đặc biệt.
Thầy giáo của tôi lấy một cành cây lót vào một cái khăn mặt và cắn chặt hai hàm răng để đỡ đau. Tôi được các đồng chí hỗ trợ cắt bàn chân dập nát cho thầy, cảm giác đau xót vô cùng! May sao thầy vượt qua được và về hậu phương tiếp tục công việc giảng dạy.
Tôi cũng gặp một bệnh nhân khá ấn tượng có biệt danh là Thịnh "cụt ba giò", từ tuyến trước gửi về. Cái tên này do các bệnh nhân khác gọi trêu đùa chứ bác sĩ làm gì dám. Anh tên Lê Văn Thịnh, bị thương tới mức... Cụt cả hai chân và một phần giữa. Thịnh là người hài hước, cởi mở, rất thích anh em gọi mình như vậy. Và chúng tôi cũng chữa cho bệnh nhân lành lặn.
Tầm 6 - 7 năm sau, tôi bị thương, về điều trị ở Viện Quân y 110. Lúc đang tập luyện có một bệnh nhân lại vỗ vai hỏi: "Anh ơi, anh có phải là bác sĩ Phú hồi ở bệnh viện tiền phương trong hang đá không?". "Vâng, tôi là bác sĩ Phú đây, nhưng anh là ai?". "Dạ em đây, Thịnh đây, Thịnh cụt ba giò đây". Anh ấy xúc động nói, tôi mừng rỡ nhận ra bệnh nhân cũ. Thịnh tâm sự suốt 3 tiếng đồng hồ, vui nhất là trước khi chia tay, anh nói: "Nếu không có bác sĩ và đồng đội viện Quân y 112 em đã theo giun dế lâu rồi. Nhờ bác sĩ báo lại các đồng đội, em đã trở lại người bình thường rồi, hiện có cháu gái. Cụt ba giò nhưng có một cháu gái đấy ạ!".
Đó là những kỷ niệm tôi không thể quên được trong cuộc đời làm bác sĩ quân y và đã đưa vào tác phẩm của mình.
Thực ra Blouse màu lá được viết khá lâu rồi, song song với làm thơ. Chỉ là mãi sau này mới in. Với tôi, tác phẩm nào được độc giả ghi nhận tốt hay dở cũng vui vì được động viên thì thêm phấn chấn, chê dở giúp nhìn ra yếu kém mà sửa. Văn chương với tôi chỉ là nghiệp, là tay trái mà thôi. Quan trọng hơn cả là được chia sẻ thật những cảm xúc của mình.
Thơ là tiếng nói cất lên từ sâu thẳm cõi lòng. Có những trạng thái cảm xúc rất kỳ lạ. Ví dụ như khi còn ở chiến trường, tôi ngẫu hứng viết những câu thơ sau một ca phẫu thuật cho bệnh nhân bị hỏng mắt: "Giặc Mỹ bắn anh/ Tôi lại múc mắt anh/ Lòng quặn đau khi nghe anh hỏi/ Sao đêm nay dài thế bác sĩ ơi...". Bây giờ thấy đó là những câu sơ sài, gần như không có nghệ thuật nhưng rất tự nhiên. Tôi đã viết ra những câu chưa hẳn là thơ nhưng thêm phần ý nghĩa trong cuộc sống, nhất là nơi chiến trường khắc nghiệt.