Làm nail cho voi, mát xa, đánh răng cho hà mã... có thể là lần đầu tiên nhiều người được nghe thấy, nhưng đó lại là công việc thường xuyên của các nhân viên chăm sóc thú ở Thảo cầm viên Sài Gòn.
Thảo cầm viên Sài Gòn, nơi thu hút du khách gần xa mỗi dịp lễ, Tết, không chỉ có vẻ đẹp của các loài thực vật, mà còn là nơi lưu trú của hơn 2.000 cá thể động vật. Từ những chú hổ hùng vĩ, voi khổng lồ, đến hà mã ngộ nghĩnh, chúng đều được chăm sóc chu đáo bởi một đội ngũ khoảng 40 nhân viên nhỏ bé.
Anh Thái Ngọc Tuấn, một nhân viên có gần 20 năm gắn bó với Thảo cầm viên, chia sẻ với chúng tôi về công việc của mình: “Tôi yêu thích động vật từ nhỏ, khi biết Thảo cầm viên tuyển dụng, tôi đã xin vào làm. Từ dê, hổ, tê giác đến hiện nay là voi, tôi đều được trực tiếp chăm sóc.”
Hàng ngày, công việc của anh Tuấn là chăm sóc, nuôi dưỡng, và theo dõi sức khỏe của voi. Đặc biệt, anh phải thực hiện một công việc khá đặc biệt: "làm nail" cho voi.
"Làm nail" ở đây không phải là trang trí móng tay cho đẹp, mà là kiểm tra chân voi xem có bị đạp phải vật nhọn hay không. Cũng như bất kỳ hoạt động chăm sóc chân khác, mục tiêu là đảm bảo sự an toàn và sức khỏe cho voi.
Sau khi “làm nail”, anh Tuấn cùng đồng nghiệp tắm rửa, mát xa cho voi, giúp chúng thoải mái, và phòng ngừa các bệnh về da.
Cũng tại Thảo cầm viên, chị Phan Thị Thanh Lan, nhân viên chăm sóc vườn thú thiếu nhi, đã 18 năm gắn bó với nơi này, trong đó 10 năm được chăm sóc hà mã.
Mỗi ngày, chị Lan lại đến chuồng hà mã với niềm yêu thương mãnh liệt dành cho các "bé" của mình. Chị Lan nhẹ nhàng mát xa xung quanh miệng cho hà mã, sau đó ra dấu tay, chú hà mã liền há miệng chờ được đánh răng. Nhân viên sẽ nhanh chóng chải răng và kiểm tra răng miệng cho hà mã.
Chị Lan cho biết: "Thức ăn của hà mã chúng ta phải lựa chọn kỹ, tránh những loại thực phẩm có thể gây tổn thương răng miệng. Việc đánh răng hàng ngày cũng giúp chúng ta kiểm tra xem có chiếc răng nào quá dài chọc vào hàm trên hay không, nếu có, sẽ được bác sĩ hỗ trợ xử lý".
Ngoài ra, để đảm bảo sức khỏe cho hà mã, chúng được cung cấp thêm các loại vitamin A, B, D và E.
Chồng hổ tại Thảo cầm viên cũng được “chăm sóc” bởi một đội ngũ nhân viên tận tâm. Ông Nguyễn Văn Hùng, với hơn 40 năm gắn bó với việc chăm sóc thú, 3 năm được trực tiếp chăm sóc hổ, chia sẻ: “Ngoài cho ăn, chúng tôi phải tập cho hổ thói quen săn mồi. Bằng cách treo thức ăn lên cao để chúng tự khám phá, làm “đồ chơi” cho chúng vận động, cào cấu, tránh ù lì. Hổ cũng được “làm nail” khi móng quá dài…"
Mỗi con hổ được ăn khoảng 5kg thịt một ngày, một tuần sẽ được nhịn một ngày. Song song với các bữa ăn, hổ còn được bổ sung các loại vitamin, thuốc giun, tiêm vắc-xin ngừa bệnh…
Thảo cầm viên Sài Gòn không chỉ là nơi bảo tồn động vật, mà còn là nơi nuôi dưỡng sự yêu thương, trách nhiệm và niềm say mê đối với cuộc sống hoang dã trong lòng thành phố. Nhờ những người nhân viên yêu động vật, những "vú nuôi", "cha mẹ nuôi", mà Thảo cầm viên Sài Gòn vẫn luôn là điểm đến đầy sức hấp dẫn.