Một trong những giải pháp trước mắt để ứng phó với tình trạng thiếu nước của huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) là phải nâng cao ý thức cho người dân, sử dụng nước tiết kiệm với phương châm "Mỗi giọt nước là mỗi giọt vàng đối với người dân huyện đảo".
Nước ngọt trên đảo Lý Sơn đang bị thiếu hụt nghiêm trọng do biến đổi khí hậu khắc nghiệt và nắng hạn diễn ra thường xuyên. Theo thông tin từ UBND huyện Lý Sơn, hiện trên địa bàn huyện có 1 hồ chứa nước (hồ Thới Lới), 2 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung và 2.149 giếng nước. Tuy nhiên, các công trình cấp nước trên đảo chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu sử dụng nước của người dân.
Hồ chứa nước Thới Lới được xây dựng từ năm 2012, dung tích toàn bộ hồ chứa nước là 271.480 m3. Tuy nhiên, hồ đã bị bồi lắng, làm giảm dần năng lực cấp nước. UBND huyện Lý Sơn đã đề xuất UBND tỉnh Quảng Ngãi bố trí nguồn kinh phí sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước Thới Lới.
Trong khi đó, công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung có công suất 1.000 m3/ngày đêm, thực tế công suất 147 m3/ngày đêm. Nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt tại đảo bé An Bình có công suất 200 m3/ngày đêm, thực tế hoạt động đạt 47% công suất thiết kế. Đối với 2.149 giếng nước, có tổng lượng nước khai thác, sử dụng khoảng 21.779 m3/ngày đêm.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương, trước mắt phải tổ chức xây dựng và triển khai kế hoạch sử dụng nước hết sức tiết kiệm. Đồng thời, khuyến khích các nhóm hộ dân có điều kiện về kinh tế liên kết lại để đầu tư thêm các bể trữ nước mưa dùng cho sinh hoạt.
Về giải pháp lâu dài, Sở NN&PTNT đã chủ động đề xuất dự án "Hệ thống thu gom nước mặt và bể trữ nước tập trung, huyện đảo Lý Sơn" giai đoạn 2026-2030, quy mô trữ 1 triệu m3 với kinh phí 250 tỷ đồng. Đối với công trình hồ chứa nước Thới Lới, dự án đã có trong danh mục công trình cần nâng cấp, sửa chữa đến năm 2030 của Phương án phát triển kết cấu hạ tầng thủy lợi gắn với phòng chống thiên tai tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.