Chồn hương vốn là động vật hoang dã nên có sức đề kháng cao, ít bị bệnh. Quá trình nuôi chồn hương không tốn nhiều công chăm sóc, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình nuôi chồn hương: Chi phí thấp, lợi nhuận cao
Những năm gần đây, mô hình chăn nuôi chồn hương đang được đông đảo người dân quan tâm và triển khai tại nhiều địa phương. Tỉnh Bình Phước cũng không ngoại lệ, trong đó điển hình là trang trại nuôi chồn hương của ông Dương Xuân Trung, tại Kp 8, phường Hưng Long, thị xã Chơn Thành.
Ông Trung đang nuôi khoảng hơn 400 con chồn hương, chủ yếu nuôi sinh sản để bán con giống. Anh Đức, người chăm sóc và trông nom trang trại cho ông Trung cho biết: "Mô hình nuôi chồn hương ít tốn chi phí, sản phẩm đầu ra lại bán giá cao và hút hàng nên người nuôi có thể đạt được lợi nhuận tốt".
Chồn hương có sức đề kháng cao, thức ăn chủ yếu là chuối chín, cá sông, tôm, cua đồng. Mỗi ngày, chi phí thức ăn cho 1 con chồn chỉ tốn khoảng 2.000 - 3.000 đồng. Trung bình mỗi năm, 1 con chồn mẹ có thể sinh sản 2-3 lứa, mỗi lứa từ 2-5 con. Chồn hương giống có giá bán rất cao, từ 10 - 14 triệu đồng/cặp, còn chồn hương thương phẩm cũng có giá dao động từ 1,5-1,9 triệu đồng/kg.
Để chồn hương phát triển tốt, ông Trung trang bị chuồng nuôi với hệ thống phun sương chống nóng, đảm bảo nhiệt độ khu vực chuồng nuôi luôn ổn định. Con giống được lựa chọn từ các trại uy tín tại địa phương để phù hợp với điều kiện môi trường.
Ông Trung chia sẻ, muốn nuôi chồn hương thành công, điều tiên quyết là phải có con giống tốt, đã được thuần với điều kiện môi trường địa phương.
Ngoài ra, người nuôi cần phải mua con giống ở các trại giống hợp pháp, con giống có nguồn gốc rõ ràng. Trong quá trình nuôi phải lập sổ theo dõi, định kỳ báo cáo và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh.
Theo luật sư Nguyễn Minh Đăng, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước, Trưởng Văn phòng Luật sư Đăng Minh Bình Phước, chồn hương thuộc danh mục IIB - Danh mục các loài động vật rừng chưa bị đe dọa tuyệt chủng, nhưng có nguy cơ bị đe dọa nếu không được quản lý chặt chẽ. Chính vì vậy khi nuôi chồn hương, cần đăng ký giấy phép chăn nuôi với chính quyền địa phương. Đồng thời, cũng cần thực hiện một số thủ tục liên quan để bảo vệ môi trường và xin cấp mã số trại nuôi tại chi cục kiểm lâm tỉnh, thành phố.
Phía Cục Quản lý động thực vật hoang dã và trung tâm giống ở Bình Phước cho biết, việc phát triển mô hình chăn nuôi chồn hương mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, gia tăng nguồn gene động vật quý hiếm.