Một phát hiện mới tại bang New York, Mỹ, đã khiến các nhà cổ sinh vật học phải xúc động. Họ đã tìm thấy những hóa thạch nhỏ như món trang sức vàng lấp lánh, giúp xác định một loài mới mang tên Lomankus edgecombei.
Một phát hiện mới tại bang New York, Mỹ, đã khiến các nhà cổ sinh vật học phải xúc động. Họ đã tìm thấy những hóa thạch nhỏ như món trang sức vàng lấp lánh, giúp xác định một loài mới mang tên Lomankus edgecombei. Loài này thuộc họ Megacheiran, một lớp động vật chân đốt đã tuyệt chủng với những "cánh tay" lớn ở phía trước cơ thể để bắt con mồi.
Hóa thạch vừa được khai quật đã 450 triệu tuổi, tức thuộc kỷ Ordovic, là thời kỳ khu vực phía Bắc của vùng nhiệt đới gần như hoàn toàn là đại dương và phần lớn đất đai trên thế giới được tập hợp vào siêu lục địa phía Nam Gondwana. Các sinh vật kỷ này vô cùng đa dạng và kỳ lạ, kế thừa từ lớp sinh vật của thời kỳ bùng nổ sinh học vĩ đại - kỷ Cambri - trước đó.
Việc chúng không hẳn là "hóa thạch" mà hóa thành "vàng của kẻ ngốc" khiến phát hiện càng thú vị. "Vàng của kẻ ngốc" là cái tên mà các nhà khoa học đặt cho pyrit (FeS2), một loại khoáng vật có màu sắc đẹp mắt gần giống như vàng, hơi ánh đồng, rất dễ bị lầm lẫn.
Vi khuẩn khử sunfat khi phân hủy vật liệu hữu cơ trong môi trường thiếu oxy sẽ tạo ra tạo ra hydro sunfua. Sau đó, chất này có thể phản ứng với sắt để tạo thành pyrit. Các trầm tích chứa hóa thạch có hàm lượng vật liệu hữu cơ thấp nhưng hàm lượng sắt cao, vì vậy xác động vật được bảo quản ở đó giống như những hòn đảo nhỏ, nơi có điều kiện thích hợp để hình thành pyrit.
Loài mới này mang nhiều đặc điểm tiến hóa khác biệt so với các loài cùng họ kỷ Cambri, với những phần phụ đáng sợ hơn, đa năng hơn. Vì vậy, dù không phải hóa thành vàng thật, nhưng với niên đại, tình trạng hóa thạch cũng như vị trí trên nấc thang tiến hóa, chúng còn quý hơn vàng ròng. Nghiên cứu về sinh vật mới vừa được công bố trên tạp chí khoa học Current Biology.