Sàn Pinduoduo và Temu đã tạo ra cơn sốt ở quốc tế nhờ giá siêu rẻ. Nhưng động thái siết chặt nhập khẩu từ Mỹ và các quốc gia khác có thể sẽ khiến tốc độ tăng trưởng này chững lại.
Pinduoduo và Temu là hai nền tảng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc, đã tìm thấy cách chiếm lĩnh thị trường TMĐT bằng cách đưa ra các chính sách giá rẻ và chiến lược đặt lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu. Zhang Xiaomeng, một cư dân tại khu thương mại đắt đỏ ở Bắc Kinh, đã quyết định dùng thử ứng dụng Pinduoduo sau khi biết đến các chiến thuật "gamify" của nền tảng. Theo cô, mọi thứ trên đó đều rất rẻ, chính điều này đã thu hút hàng triệu người tiêu dùng khác.
Pinduoduo và Temu thuộc sở hữu của gã khổng lồ thương mại điện tử PDD Holdings. Dù phải đối mặt với suy thoái kinh tế và sự cạnh tranh khốc liệt tại quê nhà, PDD Holdings vẫn tăng trưởng vượt bậc. Temu đã trở thành nhà quảng cáo lớn nhất trên nền tảng Meta trong năm 2023, với mức chi tiêu quảng cáo lên đến 2 tỷ USD.
Theo báo cáo từ công ty, Pinduoduo đã có 850 triệu người mua hàng thường xuyên hàng năm vào năm 2021. Nhờ chuỗi thành công của Temu ở nước ngoài, Trung Quốc đã sử dụng mô hình kinh doanh này làm ví dụ điển hình trong truyền thông nội địa. Theo Wired, thành công của Pinduoduo là nhờ bối cảnh kinh tế khó khăn tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, chuỗi tăng trưởng này có thể bị ảnh hưởng do hàng loạt thách thức trước mắt. Chính phủ Mỹ đã công bố kế hoạch siết chặt các ưu đãi thuế đối với các gói hàng trị giá dưới 800 USD. Điều này sẽ ảnh hưởng mạnh đến hàng trăm triệu gói hàng từ các công ty như Shein và Temu. Ngoài ra, quy định tăng cường kiểm tra hàng dệt may và quần áo là một thách thức lớn.
Theo Jason Yu, Giám đốc điều hành CTR Market Research, nếu Mỹ thực hiện các biện pháp hạn chế, khả năng cao Temu sẽ chịu không ít ảnh hưởng. "Cạnh tranh bằng giá thấp sẽ không phải là chiến lược bền vững cho các công ty như Temu hoặc Shein trong dài hạn", Yu nhận định. Tất cả đều tạo nên một triển vọng ảm đạm cho hoạt động mua sắm trực tuyến xuyên biên giới vào năm 2025.