Tại buổi thảo luận tổ về Dự án Luật Dữ liệu, các đại biểu đề xuất cần thiết phải có quy định về chia sẻ dữ liệu cá nhân và Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia.
Tại buổi thảo luận tổ về Dự án Luật Dữ liệu, các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã đề xuất cần thiết phải có quy định về chia sẻ dữ liệu cá nhân và Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia.
Hiện nay, tất cả các ngành và lĩnh vực đều có cơ sở dữ liệu riêng, là nguồn tài nguyên số quý giá cho nghiên cứu và phân tích. Tuy nhiên, trong Dự Luật, Chính phủ chỉ nhắc đến quản lý, liên thông và chia sẻ dữ liệu phi cá nhân mà không có quy định về dữ liệu cá nhân. Do đó, cần phải đưa quy định về chia sẻ dữ liệu cá nhân vào và quy định cái gì được phép khai thác và cái gì không được phép khai thác.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài và Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai chủ trì thảo luận tổ.
Đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm rằng, dữ liệu cá nhân về tình trạng bệnh tật, tuổi, sức khỏe là bí mật. Song nếu tách hoàn toàn tên, địa chỉ thì những dữ liệu này hoàn toàn có thể khai thác mà không xâm phạm đến quyền và lợi ích của người dân. Với dữ liệu về bệnh tật, tuổi, tình trạng gia đình, nghề nghiệp thì đương nhiên qua phân tích có thể nhìn nhận được xu thế phát triển bệnh nghề nghiệp thế nào và đưa ra quyết định về quản trị Nhà nước.
Đồng quan điểm, đại biểu Lê Quân cho rằng, khi có hành lang pháp lý đầy đủ, việc thu thập, phân tích dữ liệu sẽ được thực hiện rất hiệu quả trong các mô hình kinh doanh, khởi nghiệp.
Các sàn thương mại điện tử sử dụng những thuật toán rất hiệu quả trong việc phân tích xu thế của người mua hàng, từ đó gợi ý các sản phẩm thông qua thói quen lướt internet. Hay như nhiều chiến dịch bầu của của các quốc gia, họ sử dụng dữ liệu để nắm bắt tâm lý người dân, đưa ra chiến lược tranh cử hiệu quả.
Theo đại biểu Lê Quân, cơ quan soạn thảo cần quy định chi tiết hơn về thu thập, chia sẻ các loại dữ liệu sinh trắc học, bởi công nghệ nhận diện khuôn mặt hiện nay đã rất phổ biến. Nhiều cơ quan, trường học không cần thẻ ra vào, chỉ cần nhận diện khuôn mặt. Việc này vừa hiệu quả, vừa đảm bảo an ninh.
Nếu nhà khoa học được tiếp cận với các loại dữ liệu y tế thì phân tích được rất nhiều thứ. Chỉ cần dữ liệu bệnh tật, số tiền chi tiêu, số loại thuốc trong một năm của người bệnh Việt Nam là có thể dùng thuật toán chạy ra hết được các xu hướng. Tiếp cận rất khó, Dự thảo Luật cần nêu rõ các trường dữ liệu cho phép khai thác, chia sẻ, kết nối vì mục đích khoa học, nghiên cứu.
Về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia, đại biểu Lê Nhật Thành cho rằng, ngân sách nhà nước bố trí cho hoạt động chuyển đổi số nói chung và việc xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu nói riêng còn rất hạn chế, chưa có nguồn lực hỗ trợ cho tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ trong xử lý dữ liệu. Dữ liệu là nguồn tài nguyên cốt lõi để thực hiện chuyển đổi số.
Để thúc đẩy việc ứng dụng dữ liệu phục vụ chuyển đổi số ở vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; hỗ trợ việc nghiên cứu giải pháp gia tăng bảo vệ dữ liệu, chuyển giao công nghệ về dữ liệu, phát triển ứng dụng công nghệ cao liên quan đến xử lý dữ liệu; hỗ trợ khen thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác xây dựng, phát triển dữ liệu, cần thiết phải có quy định về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia để huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ việc xây dựng, phát triển dữ liệu quốc gia.
Theo đại biểu Lê Nhật Thành, quỹ này là cần thiết, phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Việc xây dựng, phát triển Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia với vai trò là trụ cột dữ liệu chính để tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ số, thúc đẩy kinh tế số và hình thành xã hội số ở nước ta là rất cần thiết.
Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng, lưu trữ thông tin trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia sẽ tiết kiệm rất nhiều so với việc đầu tư các hệ thống riêng biệt để lưu trữ các thông tin này. Các thông tin được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia được chia sẻ phục vụ việc khai thác chung cho các bộ, ngành, địa phương; cơ quan quản lý dữ liệu không phải thiết lập thêm các kênh kết nối, chia sẻ riêng đối với các thông tin đã được cập nhật, đồng bộ, lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia. Đồng thời, hoạt động này cũng giúp cắt giảm được rất nhiều thủ tục hành chính liên quan đến cập nhật, điều chỉnh, bổ sung thông tin trong các cơ sở dữ liệu khác thông qua việc đồng bộ, cập nhật, bổ sung với Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia.
Đại biểu Tạ Đình Thi cho rằng, dữ liệu hiện nay là tài nguyên do con người sáng tạo ra, cần quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân liên quan trong xây dựng, phát triển và bảo vệ dữ liệu. Đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật chưa bảo đảm sự mạch lạc trong phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về dữ liệu.
Dự kiến, Dự án Luật Dữ liệu được xem xét thông qua theo trình tự một kỳ họp.
Nguồn cấp tin tức:
Từ khoá: