Sau khi ăn trứng gà khoảng 30 phút, cháu bé có biểu hiện dị ứng khi đến viện được chẩn đoán bị sốc phản vệ, phải cấp cứu ngay lập tức để không ảnh hưởng đến tính mạng.
Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc vừa tiếp nhận trường hợp bé Đ.K.A, 6 tháng tuổi, nhập viện trong tình trạng nguy kịch sau khi ăn lòng đỏ trứng gà khoảng 30 phút. Bé A xuất hiện các triệu chứng như nổi ban đỏ khắp mặt và bụng, quấy khóc. Gia đình đã nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện.
Khi đến khoa Hồi sức tích cực - chống độc, bé A đang trong tình trạng kích thích, nổi ban đỏ toàn thân, phù nề mắt, mạch nhanh và huyết áp không đo được. Bác sĩ đã tiến hành thăm khám và chẩn đoán đây là một trường hợp sốc phản vệ, một tình trạng nguy hiểm có thể gây tử vong nếu không được xử trí kịp thời.
Ngay lập tức, bé A được tiến hành hồi sức, điều trị theo phác đồ cấp cứu sốc phản vệ. Sau 12 giờ điều trị tích cực, bé A đã qua cơn nguy kịch. Sau 2 ngày, tình trạng của bé ổn định và được xuất viện.
Theo bác sĩ, sốc phản vệ sau khi ăn trứng gà, tôm, cua, nhộng tằm... là một tình huống không hiếm gặp, tùy thuộc vào mức độ mỗi bệnh nhân sẽ có các biểu hiện khác nhau.
Triệu chứng thường gặp bao gồm nổi ban dị ứng ngoài da, nôn, đau bụng, đại tiện phân lỏng, khó thở... Trong trường hợp nghiêm trọng nhất có thể dẫn đến sốc phản vệ. Bác sĩ nhấn mạnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhi có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Dị ứng trứng gà xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với protein có trong lòng trắng hoặc lòng đỏ của trứng. Hệ thống miễn dịch nhầm lẫn protein của trứng là chất gây hại nên giải phóng histamine, gây ra phản ứng dị ứng như một cơ chế tự vệ.
Đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là những bé có tiền sử dị ứng hoặc sốc phản vệ, cha mẹ cần lưu ý triệu chứng của dị ứng trứng: làn da phát ban, ngứa, đỏ hoặc nổi chàm, sưng môi, sưng lưỡi, đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, co thắt dạ dày, tiêu chảy hoặc khó tiêu. Ngoài ra, trẻ có thể có triệu chứng như hắt hơi, nghẹt mũi, thở khò khè hoặc khó thở do cổ họng sưng tấy, đỏ mắt, chảy nước mắt, chóng mặt, mạch yếu hoặc nhanh, tụt huyết áp và nghiêm trọng hơn là sốc phản vệ gây ngưng thở.
Để phòng ngừa dị ứng, sốc phản vệ do ăn trứng, tốt nhất là không cho trẻ sử dụng loại thực phẩm này. Với những người có cơ địa dị ứng, tiền sử từng bị sốc phản vệ với thức ăn, luôn mang theo thuốc dị ứng bên cạnh và cần đến viện ngay lập tức nếu có các biểu hiện dị ứng trên.