Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình vừa gửi báo cáo đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc rà soát, đánh giá các sự cố, hư hỏng về hệ thống đê điều do bão số 3, mưa lũ gây ra và nhu cầu kinh phí khắc phục, sửa chữa để bảo đảm an toàn.
Bão số 3 và mưa lũ sau bão đã gây nhiều thiệt hại trên hệ thống đê điều tại tỉnh Thái Bình. 31 công trình đê điều thuộc 8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng, trong đó có những công trình xây dựng từ lâu nay đã xuống cấp và những công trình sạt lở gây nguy cơ mất an toàn.
Khảo sát của địa phương cho thấy, nhu cầu kinh phí sửa chữa và nâng cấp đê điều cấp bách nhất tập trung ở khắc phục sạt lở trên một số tuyến kênh nội đồng gồm kênh Kiến Giang và kênh Tiên Hưng thuộc địa bàn 8 huyện, thành phố với ước tính 250 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có các công trình hoàn thiện mặt cắt đê, làm đường hành lang chân đê với tổng kinh phí khoảng 210 tỷ đồng trên các tuyến đê cửa sông tả Trà Lý và hữu Trà Lý.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu sau bão, lũ trên hệ thống các sông tỉnh Thái Bình đều vượt mức báo động cấp 3. Đặc biệt, lũ trên sông Trà Lý vượt mức lũ lịch sử năm 1971.
Cho đến nay, 51 sự cố đã được ghi nhận trên hệ thống đê điều của tỉnh, đe dọa an toàn đê điều. Riêng tại huyện Vũ Thư, từ ngày 12-14/9/2024, nhiều vị trí trên các tuyến đê đã xảy ra thẩm lậu nước trong, tổng chiều dài thẩm lậu trên tuyến đê tả Hồng Hà 2 khoảng 12km; tuyến đê hữu Trà Lý khoảng 11km.
Trước tình hình này, tỉnh Thái Bình đánh giá rằng hệ thống đê điều hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu phòng, chống lũ, bão, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tỉnh đã đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành trung ương quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho tỉnh khắc phục, sửa chữa, nâng cấp hệ thống đê điều với kinh phí dự kiến 1.780 tỷ đồng.
Nguồn cấp tin tức:
Từ khoá: