Tín dụng tiêu dùng là "con dao hai lưỡi" giúp đạt các mục tiêu ngắn hạn nhưng tiềm ẩn rủi ro, vì thế người trẻ cần hiểu rõ nhu cầu và sử dụng có trách nhiệm.
Tín dụng tiêu dùng hiểu đơn giản là các khoản vay được cung cấp để người tiêu dùng chi tiêu cá nhân thay vì đầu tư kinh doanh. Hiện có 3 hình thức tín dụng tiêu dùng gồm thẻ tín dụng, vay trả góp và vay cá nhân không thế chấp.
Người trẻ là những người tiêu dùng chính của các dịch vụ tín dụng tiêu dùng, vì họ ưa chuộng sự dễ dàng và tiện lợi trong việc truy cập tín dụng thông qua các ứng dụng điện thoại. Tuy nhiên, việc sử dụng quá nhiều tín dụng cũng gây nên nhiều hệ lụy cho người trẻ.
Chia sẻ tại tọa đàm "Giáo dục tài chính cho sinh viên" do Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Học viện Ngân hàng tổ chức vừa qua, bà Lê Thị Minh Trang, Trưởng phòng Quản lý sản phẩm đầu tư và phân khúc khách hàng trung lưu VPBank cho rằng: "Người trẻ có thể tiếp cận tín dụng nhanh chóng qua các ứng dụng điện thoại mà không cần tới ngân hàng, tuy nhiên, không kiểm soát chi tiêu và sử dụng quá nhiều tín dụng có thể dẫn đến nhiều hệ lụy cho người trẻ. Họ có thể rơi vào tình trạng 'nợ chồng nợ' vì không hiểu rõ lãi suất và cách trả nợ."
Với việc có nhu cầu chi tiêu và lối sống hiện đại hơn, việc mua sắm trực tuyến, du lịch, trải nghiệm cuộc sống thường khiến người trẻ chi tiêu nhiều hơn so với thu nhập hàng tháng. Sử dụng tín dụng tiêu dùng giúp người dùng nhanh chóng sở hữu những thứ mình mong muốn mà không cần phải trả toàn bộ chi phí ngay. Ngoài ra, tín dụng tiêu dùng cũng mang tới khả năng hoãn lại chi phí cho người trẻ. Thay vì chờ đợi tích lũy, tín dụng giúp người dùng nhanh chóng sở hữu những thứ mình mong muốn mà không cần phải trả toàn bộ chi phí ngay.
Tuy nhiên, sử dụng quá nhiều tín dụng cũng có thể gây nên nhiều hệ lụy. Đơn cử như không kiểm soát chi tiêu, tín dụng dễ dẫn đến nợ khó trả. Khảo sát cho thấy nhiều người trẻ rơi vào tình trạng "nợ chồng nợ" vì không hiểu rõ lãi suất và cách trả nợ. Thẻ tín dụng và vay tiêu dùng thường có lãi suất cao, đặc biệt là khi chủ thẻ không thanh toán đúng hạn. Việc không trả nợ đúng hạn còn ảnh hưởng đến điểm tín dụng cá nhân, khiến việc vay vốn trong tương lai gặp khó khăn.
Để quản lý tín dụng tiêu dùng hiệu quả, bà Trang đưa ra 3 giải pháp. Thứ nhất, lập kế hoạch chi tiêu rõ ràng về cách sử dụng, chỉ nên vay khi thực sự cần thiết và có khả năng trả nợ. Thứ hai, theo dõi và kiểm soát chi tiêu, sử dụng các ứng dụng tài chính để theo dõi và thanh toán nợ đúng hạn. Cuối cùng, hiểu rõ về lãi suất, các khoản phí liên quan và điều khoản bằng cách đọc kỹ hợp đồng vay trước khi quyết định sử dụng tín dụng.
Các ứng dụng công nghệ tài chính tài chính (Fintech) đang giúp việc vay tiêu dùng trở nên đơn giản và minh bạch hơn, từ đó mang đến những lựa chọn tín dụng dễ tiếp cận hơn cho người trẻ. Tuy nhiên, tín dụng có trách nhiệm mới là xu hướng tín dụng trong tương lai. Hiện các tổ chức tài chính đang ngày càng khuyến khích vay tiêu dùng có trách nhiệm, đưa ra các giải pháp tài chính xanh, tín dụng với lãi suất ưu đãi cho các hoạt động bảo vệ môi trường.
Nguồn cấp tin tức:
Từ khoá: