Qua công tác đấu tranh, triệt phá các vụ án liên quan đến công nghệ cao, cơ quan chức năng nhận định: Mặc dù đây là loại hình tội phạm mới nhưng diễn biến ngày càng phức tạp, trong đó nổi lên chủ yếu là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tội phạm trên không gian mạng là vấn đề mới và phức tạp, mang tính xuyên quốc gia, không biên giới, tính ẩn danh cao, dẫn đến khó khăn trong công tác đấu tranh, triệt phá. Thị trường điện thoại di động và mạng xã hội đã trở thành một không gian mới cho các đối tượng phạm tội hoạt động, gây tổn hại đến người dân.
Để đối phó với tội phạm này, các lực lượng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã và đang triển khai nhiều giải pháp. Bộ Công an đã đẩy mạnh ứng dụng tài khoản định danh điện tử của công dân, được xem là "căn cước trên không gian mạng" để xác thực danh tính khi tham gia các hoạt động phục vụ quản lý nhà nước.
Ngoài ra, cần tổ chức một lực lượng chống tội phạm trên không gian mạng nhiều hơn, bài bản, đầy đủ hơn để đủ sức ngăn chặn tội phạm này. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, điều tra, xử lý nghiêm tội phạm là các giải pháp cấp bách.
Cần đa dạng hình thức tuyên truyền, phòng ngừa, chú trọng tuyên truyền tới nhóm thường bị các đối tượng lừa đảo hướng đến là phụ nữ, công nhân, người cao tuổi. người dân cần tự nâng cao ý thức cảnh giác, tự quản, tự phòng, tự đề kháng để chủ động phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã khuyến cáo người dân cần thực hiện "4 không": không sợ, không tham, không kết bạn với người lạ, không chuyển tiền. Đồng thời, mỗi người dân cần thực hiện "2 phải": phải bảo mật thông tin, phải tố giác ngay khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn nghi ngờ là giả mạo, lừa đảo.