Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị giao nhiệm vụ cho TP.HCM đến năm 2030 trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại, giai đoạn hiện nay cùng với các giải pháp phát triển bền vững, thành phố chọn chuyển đổi xanh là nhiệm vụ trọng tâm.
Ngày 25-9, Diễn đàn TP.HCM lần thứ 5 năm 2024 đã khai mạc với chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP.HCM". Tại diễn đàn, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh vai trò của TP.HCM trong phát triển kinh tế, tài chính, thương mại, giáo dục, khoa học công nghệ và nhu cầu cấp bách của thành phố trong nâng cao chất lượng và giá trị sống của người dân.
Theo Nghị quyết 31 của Bộ, TP.HCM được giao nhiệm vụ trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và có nền công nghiệp phát triển hiện đại ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực và vươn tầm châu lục vào năm 2045.
Để đạt mục tiêu nhiệm vụ chiến lược đặt ra, TP.HCM cần tập trung vượt qua ba thử thách lớn, bao gồm nhanh chóng cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, nhất là giao thông, công nghệ, môi trường. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải cách thể chế thủ tục hành chính và có những cơ chế chính sách vượt trội, đột phá trong huy động các nguồn lực đầu tư phát triển. Tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo cơ hội điều kiện thuận lợi hơn nữa để cộng đồng DN yên tâm đầu tư hoạt động và phát triển.
Chuyển đổi công nghiệp là động lực mới cho phát triển bền vững TP.HCM. TP.HCM cần định hướng chuyển đổi theo chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. TP.HCM sẽ nhanh chóng hình thành khu công nghiệp xanh để thu hút các nhà đầu tư vi mạch, bán dẫn...
Tại diễn đàn, các đại biểu trong nước và quốc tế cũng báo cáo về Chiến lược chuyển đổi công nghiệp TP.HCM trong bối cảnh kết nối vùng, khu vực, quốc tế và xu hướng công nghệ mới. Vai trò Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR) tại TP.HCM gắn liền với chuyển đổi công nghiệp.
Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết, dù chưa có thống kê thực trạng chuyển đổi công nghiệp của từng DN nhưng thực tế chung cho thấy sôi động và TP.HCM đã triển khai từ khá sớm. Tuy nhiên, theo ông An, mặc dù TP.HCM những năm qua nổ lực tái cơ cấu các ngành công nghiệp nhưng phát triển bền vững chưa có chiều sâu.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết, chuyển đổi có nhiều cấp độ. Chẳng hạn, nếu thành phố sắp tới có chiến lược thu hút những ngành công nghệ cao như vi mạch bán dẫn... điều quan trọng là nhanh chóng chuyển đổi các KCN đã "đến tuổi" như KCN Tân Bình, Linh Xuân, Tân Thuận... Trở thành các KCN xanh, KCN sinh thái để thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao vi mạch, bán dẫn...
TS. Chad Bown, Nhà Kinh tế trưởng Bộ Ngoại Hoa Kỳ cho biết, ngành bán dẫn đan xen trong cuộc sống xã hội của con người qua những con chip sử dụng trong ô tô, máy tính, tủ lạnh... Nếu gián đoạn trong chuỗi cung ứng bán dẫn sẽ tác động đến sản phẩm thiết yếu của người tiêu dùng. Đây là lý do vì sao Hoa Kỳ thông qua đạo Luật CHIPS nhằm thúc đẩy chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.