Sau hơn hai thập kỷ hoạt động, Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) đã gặp phải nhiều vấn đề kỹ thuật do tiếp xúc lâu dài với môi trường khắc nghiệt của không gian. Để chuẩn bị cho sự kiện nghỉ hưu của ISS vào năm 2030, NASA đã khởi động chương trình Điểm đến quỹ đạo Trái Đất thấp thương mại (CLD) nhằm khuyến khích các công ty tư nhân xây dựng những trạm vũ trụ thay thế cho ISS.
Trong bối cảnh này, Vast Space, công ty có trụ sở tại California, đã chính thức bước vào cuộc đua thay thế ISS với thiết kế trạm vũ trụ tư nhân Haven-2. Haven-2 được dự định sẽ tiếp quản vai trò của ISS sau khi NASA nghỉ hưu vào năm 2030.
Theo kế hoạch, Haven-2 sẽ được phóng lên vào năm 2028, đánh dấu bước tiến lớn của Vast Space trong cuộc đua này. Trước khi Haven-2 ra mắt, Vast đã có kế hoạch phóng Haven-1, dự kiến sẽ trở thành trạm vũ trụ thương mại đầu tiên trên thế giới vào năm 2025. Haven-1 sẽ cung cấp không gian cho các nhiệm vụ ngắn hạn của tối đa bốn phi hành gia cùng lúc.
Max Haot, giám đốc điều hành của Vast, cho biết rằng mục tiêu của họ là giành được hợp đồng CLD của NASA để xây dựng trạm kế nhiệm ISS. "Để đạt được điều này, trước tiên chúng tôi sẽ chứng minh khả năng của mình bằng cách xây dựng và vận hành Haven-1", Haot khẳng định.
Haven-2 sẽ được cấu thành từ bốn mô-đun đầu tiên, được cập bến liên tiếp trên quỹ đạo, với mục tiêu phóng thêm một mô-đun lõi lớn hơn và bốn mô-đun bổ sung từ năm 2030 đến năm 2032. Thiết kế này sẽ tạo nên một cấu trúc hình chữ T quen thuộc trên quỹ đạo Trái Đất. Haven-2 sẽ không chỉ là nơi để các phi hành gia sống và làm việc mà còn có phòng thí nghiệm để thực hiện nghiên cứu vi trọng lực và sản xuất trong không gian.
Ngoài ra, Haven-2 còn được trang bị một cánh tay robot hỗ trợ cho việc lắp ghép tải trọng và hai khóa khí—một khóa cho các nhiệm vụ đi bộ ngoài không gian và một khóa để hỗ trợ các hoạt động khác. Vast cũng dự định dành toàn bộ mô-đun cho các đối tác quốc tế, giúp mở rộng khả năng hợp tác khoa học không gian toàn cầu.
Mặc dù Vast Space có những kế hoạch đầy tham vọng với Haven-2, nhưng họ không phải là ứng cử viên duy nhất trong cuộc đua này. Các công ty khác như Axiom Space, Blue Origin, và Northrop Grumman cũng đang tích cực làm việc trên các dự án thay thế ISS của riêng họ. Cạnh tranh giữa các công ty này hứa hẹn sẽ mang đến những công nghệ và thiết kế đột phá cho tương lai của ngành vũ trụ.
Tương lai của ngành vũ trụ không chỉ nằm trong tay các cơ quan vũ trụ quốc gia mà còn mở rộng tới các công ty tư nhân, hứa hẹn một kỷ nguyên mới cho sự hợp tác giữa chính phủ và khu vực tư nhân trong việc khám phá không gian.