Tính riêng tư của các nhóm kín đôi khi trở thành lá chắn cho những hành vi không phù hợp chuẩn mực xã hội. Ở đây, các trò đùa khiếm nhã, thô tục trở thành tiêu chuẩn "hài hước".
Khi các mạng xã hội phát triển, không gian sinh hoạt cũng dần được chuyển lên các nền tảng. Những cuộc trò chuyện kín đáo không còn giới hạn trong các buổi gặp mặt trực tiếp. Kéo theo đó, các nhóm kín trên Facebook, Messenger, hay các diễn đàn thảo luận như Reddit được tạo ra để chia sẻ thông tin, sở thích chung giữa những người có cùng mối quan tâm.
Song, dưới lớp vỏ bọc của sự riêng tư và tự do ngôn luận, các hành vi như chế nhạo, công kích và thậm chí là quấy rối tình dục được bình thường hóa dưới hình thức "trò đùa vô hại".
Gần đây, một nhóm kín trên Facebook có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đã bị phát hiện. Ở đó, các thành viên bàn luận về những trò đùa nhạy cảm, tục tĩu, có xu hướng thúc đẩy phân biệt giới. Vụ việc gây xôn xao dư luận và đặt ra nhiều câu hỏi về tác động của những nhóm kín thế này đối với cộng đồng.
Facebook ra mắt tính năng Nhóm vào năm 2010, cho phép những người cùng sở thích giao lưu trong không gian riêng. Tuy nhiên, mãi đến năm 2017, sau bê bối Cambridge Analytica, Facebook mới bắt đầu chú trọng quảng bá tính năng này.
Hãng giúp các nhóm kín chiếm lĩnh news feed thông qua thuật toán "Facebook Zero". Nhờ đó, nội dung từ các nhóm có phạm vi tiếp cận 5,2% tốt hơn so với fanpage.
Tuy nhiên, "dây cương" kiểm soát của Facebook không theo kịp tốc độ phát triển này. Khi chuyển trọng tâm sang Nhóm, hãng bắt đầu phụ thuộc nhiều hơn vào những quản trị viên, kiểm duyệt viên không lương "càn quét" nội dung độc hại trên nền tảng. Điều này giúp các nền tảng giảm bớt chi phí và trách nhiệm khi kiểm soát nội dung, trong khi vẫn giữ vững hình ảnh là "người bảo vệ tự do ngôn luận".
Theo cuốn sách Custodians of the Internet: Platforms, Content Moderation, and the Hidden Decisions that Shape Social Media của Tarleton Gillespie, nhiều nhóm kín hoạt động trong tình trạng gần như "vô hình". Chỉ khi nào những hành vi này được báo cáo, các nền tảng mới can thiệp. Đôi khi sự can thiệp này đến quá muộn.
Sự lan truyền nhanh chóng của nội dung nhóm kín trên mạng xã hội cũng là một điểm đáng lo ngại. Với những nhóm có số lượng thành viên hàng nghìn hay hàng trăm nghìn người, "riêng tư" chỉ là một khái niệm mơ hồ. Đơn cử như vụ bê bối tại Đại học Harvard vào năm 2017.
Để giải quyết vấn nạn trên, các mạng xã hội đã bắt đầu nhận thức được vấn đề và có những cải thiện nhất định trong việc kiểm soát nội dung trong các nhóm kín. Song, cho đến nay, vấn đề vẫn chưa được giải quyết triệt để.